Văn phòng đại diện tại Việt Nam có những quyền và nghĩa vụ gì? Đây là một vấn đề quan trọng cần được thương nhân nước ngoài quan tâm từ trước khi đề nghị thành lập Văn phòng đại diện đến cả giai đoạn hậu thành lập Văn phòng đại diện. Hiểu rõ về nội dung này sẽ giúp cho thương nhân nước ngoài dễ dàng hơn trong việc quyết định thành lập và triển khai hoạt động của Văn phòng đại diện, trong bài viết này, TTVN Legal sẽ khái quát một số quy định cốt lõi về quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện theo pháp luật Việt Nam.
Trước và trên hết, quyền và lợi ích hợp pháp của Văn phòng đại diện tại Việt Nam sẽ được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam, trong phạm vi hoạt động được phép được ghi nhận trên Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
1. Quyền của Văn phòng đại diện
Văn phòng đại diện có các quyền theo Luật Thương mại số 36/2005/QH11 và Nghị định số 07/2016/NĐ-CP như sau:
Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong giấy phép thành lập Văn phòng đại diện;
Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện;
Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện;
Mở tài khoản tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện;
Có con dấu mang tên Văn phòng đại diện;
2. Nghĩa vụ của Văn phòng đại diện
Văn phòng đại diện có các nghĩa vụ theo Luật Thương mại số 36/2005/QH11 và Nghị định số 07/2016/NĐ-CP như sau:
Không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam;
Chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà Luật Thương mại cho phép;
Không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy ủy quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài hoặc trong trường hợp giao kết hợp đồng trong phạm vi quyền của Văn phòng đại diện được phép hoạt động tại Việt Nam như nêu tại mục 1 ở trên;
Trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, nộp báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện trong năm trước đó qua đường bưu điện về Cơ quan cấp phép;
3. Về người đứng đầu Văn phòng đại diện
Người đứng đầu Văn phòng đại diện được bổ nhiệm bởi thương nhân nước ngoài và được ghi nhận trong giấy phép thành lập Văn phòng đại diện. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người đứng đầu Văn phòng đại diện cần tuân thủ các nội dung sau:
(1) Chịu trách nhiệm về hoạt động của mình và của Văn phòng đại diện.
Người đứng đầu Văn phòng đại diện phải chịu trách nhiệm trước thương nhân nước ngoài về hoạt động của mình và của Văn phòng đại diện trong phạm vi được thương nhân nước ngoài ủy quyền;
Người đứng đầu Văn phòng đại diện phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình trong trường hợp thực hiện các hoạt động ngoài phạm vi được thương nhân nước ngoài ủy quyền.
(2) Có mặt tại Việt Nam.
Trường hợp người đứng đầu Văn phòng đại diện xuất cảnh khỏi Việt Nam thì người này phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện theo pháp luật. Việc ủy quyền này phải được sự đồng ý của thương nhân nước ngoài;
Trường hợp người đứng đầu Văn phòng đại diện không hiện diện tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế mất năng lực hành vi dân sự thì thương nhân nước ngoài phải bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu Văn phòng đại diện.
(3) Không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:
Người đứng đầu Chi nhánh của cùng một thương nhân nước ngoài;
Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài khác;
Người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài đó hoặc thương nhân nước ngoài khác;
Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
(4) Không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài trừ trường hợp được thương nhân nước ngoài ủy quyền. Khi đó, thương nhân nước ngoài phải thực hiện việc ủy quyền bằng văn bản cho từng lần giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết.
TTVN Legal có thể hỗ trợ nhà đầu tư những gì?
Dựa trên nhu cầu cụ thể của nhà đầu tư khi tiếp cận thị trường Việt Nam, TTVN Legal sẽ:
Tư vấn về khả năng đáp ứng các điều kiện cần và đủ của nhà đầu tư trước khi thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam;
Tư vấn thủ tục đề nghị thành lập Văn phòng đại diện, quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện và các thủ tục cần thiết sau khi được cấp phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam;
Ghi chú: Bàiviết này chỉ dành để tham khảo và không được xem là bản tư vấn pháp lý. Nội dung bài viết thể hiện ý kiến riêng của TTVN Legal, nội dung này có thể thay đổi mà không cần thông báo trước.