– Thị Thực Đầu Tư tại Việt Nam: Điều Kiện, Thành Phần Hồ Sơ, và Thủ Tục
– Nối tiếp chuỗi bài viết về vấn đề thị thực đầu tư của Việt Nam, trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kĩ hơn để hiểu rõ các vấn đề nhé.
Điều kiện được xem xét cấp thị thực đầu tư:
Theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 51/2019/QH14 (sau đây gọi là Luật), người nước ngoài được xem xét cấp thị thực đầu tư khi thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 10 như sau:
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn hiệu lực;
- Cơ quan, tổ chức tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp có nhu cầu được cấp thị thực không quá 30 ngày (thị thực điện tử hoặc thị thực vào Việt Nam để khảo sát thị trường, du lịch, thăm người thân, chữa bệnh…);
- Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh;
- Có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư.
Thành phần hồ sơ đề nghị cấp thị thực đầu tư:
Để đề nghị cấp thị thực đầu tư cho người nước ngoài, hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài (mẫu NA2) thực hiện bởi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài có đủ điều kiện thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật;
- Tờ khai đề nghị cấp thị thực (mẫu NA1);
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn hiệu lực;
- 02 ảnh mới chụp, cỡ 4×6, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu (01 ảnh dán vào tờ khai, 01 ảnh để rời);
- Giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam.
Trình tự, thủ tục đề nghị cấp thị thực đầu tư:
A. Trường hợp người nước ngoài đang ở nước ngoài
Bước 1: Gửi Văn bản đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài
Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài thực hiện thủ tục chứng minh tư cách pháp nhân bằng cách gửi văn bản thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh kèm theo hồ sơ sau:
- Bản sao có chứng thực giấy phép hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập tổ chức;
- Văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức (mẫu NA16).
Việc thông báo chỉ thực hiện một lần, nếu cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đã thực hiện thủ tục này thì không cần phải thực hiện lại. Trường hợp có sự thay đổi nội dung trong hồ sơ thì cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh phải thông báo bổ sung.
Sau khi hoàn tất thủ tục chứng minh tư cách pháp nhân, cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh gửi trực tiếp Văn bản đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài (mẫu NA2) cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Trường hợp cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh có tài khoản điện tử do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp và có chữ ký điện tử theo quy định thì được gửi Văn bản đề nghị nêu trên và nhận kết quả trả lời tại Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh.
Bước 2: Cơ quan xuất nhập cảnh xem xét đề nghị cấp thị thực
Cơ quan xuất nhập cảnh sẽ xem xét và giải quyết đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài trong thời gian:
- 05 ngày làm việc, đối với trường hợp đề nghị cấp thị thực tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài;
- Tối đa 03 ngày làm việc, đối với trường hợp đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế.
Bước 3: Gửi Văn bản trả lời của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cho người nước ngoài
Sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh phải thông báo cho người nước ngoài để làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài hoặc tại cửa khẩu quốc tế đã đăng ký.
Trường hợp đề nghị cấp thị thực tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh làm Phiếu đề nghị điện báo (mẫu NA4) và thanh toán với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khoản cước phí để thực hiện việc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài.
Bước 4: Người nước ngoài nộp hồ sơ đề nghị cấp thị thực tại cơ quan đã đăng ký
Người nước ngoài nộp hồ sơ đề nghị cấp thị thực cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế. Hồ sơ do người nước người trực tiếp nộp bao gồm:
- Tờ khai đề nghị cấp thị thực (mẫu NA1);
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn hiệu lực;
- 02 ảnh mới chụp, cỡ 4×6, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu (01 ảnh dán vào tờ khai, 01 ảnh để rời).
Bước 5: Cơ quan có thẩm quyền xem xét việc cấp thị thực
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện việc cấp thị thực.
Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh kiểm tra, đối chiếu với thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và thực hiện việc cấp thị thực theo quy định.
Bước 6: Nộp phí cấp thị thực và nhận thị thực
Người nước ngoài nộp phí cấp thị thực và nhận thị thực nếu cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế phản hồi về việc được cấp thị thực.