Trên các diễn đàn dành cho người nước ngoài ở Việt Nam, chúng tôi thường thấy những câu hỏi về việc làm sao một bác sĩ nước ngoài có thể hành nghề hợp pháp tại Việt Nam. Chúng ta sẽ cùng mổ xẻ vấn đề này trong khuôn khổ quy định của pháp luật tại Việt Nam, cho bác sĩ nước ngoài vào Việt Nam theo diện làm việc.
Bác sĩ thuộc danh sách nghề nghiệp cần có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Có thể hiểu, một bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề tại Việt Nam thì cần phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp.
Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài, bao gồm:
- Có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;
- Có văn bản xác nhận quá trình thực hành;
- Có giấy chứng nhận đủ sức khoẻ để hành nghề;
- Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh;
- Có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận;
- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.
Để có thể bắt đầu cho việc hành nghề bác sĩ tại Việt Nam, điều đầu tiên mà một bác sĩ nước ngoài cần có là lời đề nghị làm việc từ cơ sở khám, chữa bệnh tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ có những đánh giá ban đầu về khả năng được cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam trước khi ra quyết định gửi lời mời làm việc đến vị bác sĩ này.
Về phía bác sĩ nước ngoài, thiết nghĩ bạn cũng nên chuẩn bị để đáp ứng đủ các điều kiện như đã nên ở trên. Một số điểm mà bạn cần lưu ý thêm:
- Kiểm tra văn bằng chuyên môn của mình có được thừa nhận tại Việt Nam và thực hiện thủ tục công nhận theo quy định của pháp luật. Việc thừa nhận chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh giữa các nước được thực hiện theo quy định của thoả thuận quốc tế hoặc điều nước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Chúng tôi khuyến nghị bạn nên tham vấn dịch vụ từ những chuyên gia pháp lý để hỗ trợ bạn hoàn thành thủ tục này;
- Liên hệ với cơ sở khám, chữa bệnh cho kỳ thực hành kéo dài 18 tháng và phải có văn bản xác nhận về quá trình thực hành này;
- Học tiếng Việt và được công nhận biết tiếng Việt thành thạo. Trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì cần tìm người phiên dịch đủ điều kiện. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ các chuyên gia giáo dục ngôn ngữ, chuyên gia pháp lý để hỗ trợ bạn hoàn tất điều kiện này.
Bộ trưởng Bộ Y Tế có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề cho những trường hợp người nước ngoài đến hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam. Đây là văn bản được cấp một lần và có giá trị trong phạm vi cả nước.
Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu Quý khách cần tư vấn thêm.
Ghi chú: Bài viết này chỉ dành để tham khảo và không được xem là bản tư vấn pháp lý. Nội dung bài viết thể hiện ý kiến riêng của TTVN Legal, nội dung này có thể thay đổi mà không cần thông báo trước.