Quy Định Chung Về Điều Kiện Và Thủ Tục Cấp Thẻ Thường Trú

“Điều kiện để được cấp thẻ thường trú?” và “Trình tự thủ tục thực hiện như thế nào?” Là những câu hỏi mà chúng tôi nhận được về sự băn khoăn từ khách hàng có quốc tịch nước ngoài đang làm việc và sinh sống ở Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về quy định của pháp luật hiện hành, sẽ giải đáp phần nào câu hỏi của quý khách hàng.

Các trường hợp được xét cho thường trú

  1. Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước.
  2. Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam.
  3. Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.
  4. Người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước.

Điều kiện xét cho thường trú

  • Người nước ngoài được xét cho thường trú nếu có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
  • Việc xét cho thường trú đối với người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị.
  • Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh phải đảm bảo thêm điều kiện “đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên”.

Thành phần hồ sơ đề nghị cho thường trú

Người nước ngoài đề nghị cho thường trú nộp 01 bộ hồ sơ tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn xin thường trú (mẫu NA12);

b) Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp;

c) Công hàm của cơ quan đại diện của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó thường trú;

d) Bản sao hộ chiếu có chứng thực;

đ) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được xét cho thường trú theo quy định pháp luật;

e) Giấy bảo lãnh đối với người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh (mẫu NA11).

Trường hợp người xin thường trú là người không quốc tịch thì hồ sơ chỉ bao gồm tài liệu tại mục a) và đ).

Trình tự, thủ tục giải quyết cho thường trú

Bước 1: Người nước ngoài đề nghị cho thường trú nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Bước 2: Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định cho thường trú; trường hợp xét thấy cần phải thẩm tra bổ sung thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 02 tháng.

Bước 3: Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thông báo bằng văn bản quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc người nước ngoài xin thường trú. Nếu được chấp nhận, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú thông báo người nước ngoài được giải quyết cho thường trú.

Bước 4: Trong thời hạn 03 tháng kể từ khi nhận được thông báo giải quyết cho thường trú, người nước ngoài phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú để nhận thẻ thường trú.

Lưu ý:

1. Việc xác định thời gian đã tạm trú tại Việt Nam được thực hiện như sau:

a. Người nước ngoài đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên được xác định trên cơ sở dấu kiểm chứng nhập cảnh, dấu kiểm chứng xuất cảnh được cấp tại cửa khẩu có tổng thời gian tạm trú tại Việt Nam từ 03 năm trở lên trong 04 năm gần nhất tính đến ngày nộp hồ sơ xin thường trú.

b. Giấy tờ chứng minh đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000 gồm một trong các giấy tờ sau: giấy chứng nhận cư trú tạm thời; sổ đăng ký tạm trú; đơn giải trình về thời gian đã tạm trú tại Việt Nam, có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi người không quốc tịch tạm trú.

2. Nơi nộp hồ sơ đề nghị giải quyết cho thường trú:

a. Người xin thường trú theo diện được người thân có quốc tích Việt Nam bảo lãnh và người không quốc tịch nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú.

b. Người xin thường trú theo trường hợp còn lại nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu Quý khách cần tư vấn thêm.

Ghi chú: Bài viết này chỉ dành để tham khảo và không được xem là bản tư vấn pháp lý. Nội dung bài viết thể hiện ý kiến riêng của TTVN Legal, nội dung này có thể thay đổi mà không cần thông báo trước.