CHỈ THỊ THẨM ĐỊNH CHUỖI CUNG ỨNG CỦA EU

Ở Liên minh Châu Âu EU, việc chuyển đổi xanh và phát triển bền vững ngày càng được chú trọng tại các quốc gia phát triển, theo đó cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà xuất khẩu trong tiếp cận thị trường này.

Bên cạnh Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) bắt đầu thí điểm từ tháng 10/2023, Luật sản phẩm chống phá rừng (EUDR) có hiệu lực từ ngày 29/06/2023, Chỉ thị Thẩm định chuỗi cung ứng(CSDDD) là một trong những quy định doanh nghiệp cần lưu ý trong thời gian tới. Dự thảo chỉ thị hiện đã được Nghị viện EP thông qua vào ngày 01 tháng 6 năm 2023 và dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ năm 2026.

  • Mục tiêu của CSDDD: Nhằm thúc đẩy hoạt động doanh nghiệm bền vững và có trách nhiệm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Dự thảo chỉ thị yêu cầu ngăn chặn, chấm dứt hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực trong hoạt động của doanh nghiệp bao gồm cả công ty con và toàn bộ chuỗi cung ứng của họ đối với các vấn đề lao động và môi trường.
  • Phạm vi đối tượng: (i) Những nhóm đối tượng và CSDDD áp dụng bao gồm tất các công ty có trụ sở tại EU với hơn 250 nhân viên và doanh thu toàn cầu trên 40 triệu euro. (ii) Một công ty không đáp ứng các ngưỡng này nhưng là công ty mẹ của một nhóm các công ty tuyển dụng từ 500 người trở lên và có doanh thu trên toàn thế giới hơn 150 triệu euro, (iii) Những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại EU với tiêu chí về lượng nhân viên và doanh thu như doanh nghiệp EU nêu trên.
  • Nghĩa vụ thẩm định: Để giám sát chặt chẽ các tác động xã hội và môi trường đối với toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, nghĩa vụ thẩm định trong CSDDD gồm tất các đối tác kinh doanh trực tiếp cũng như gián tiếp dọc theo chuỗi giá trị, tính đến cả hoạt động của chính họ, cũng như các hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp đó cung cấp. CSDDD còn áp dụng cho các hoạt động và cơ sở sản xuất liên quan đến việc bán, phân phối, vận chuyển, lưu trữ và quản lý chất thải các sản phẩm của công ty hoặc cung cấp dịch vụ

Cũng lưu ý rằng CSDDD là Chỉ thị, vị vậy, mỗi quốc gia thành viên EU có quyền điều chỉnh các quy tắc phù hợp với luật của nước sở tại.

Mặc dù thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng không phải vấn đề mới nhưng quy trình này tạo ra nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt Nam do chưa có đầy đủ thông tin và các hạn chế về nguồn lực. CSDDD áp quy định đối với toàn bộ chuỗi cung ứng nên bất kể vi phạm nào của nhà cung cấp, doanh nghiệp EU đều có trách nhiệm liên đới.

Ghi chú: Bài viết được trích từ CHUYÊN SAN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – EU, số Quý 3/2023 của BỘ CÔNG THƯƠNG