Vùng nào thu hút nhiều doanh nghiệp là một trong những nội dung mà các chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm nhất. Báo cáo chính thức Tổng Điều tra kinh tế 2021 đã được công bố cho thấy: theo vùng, số lượng doanh nghiệp và lao động phát triển nhanh tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, nơi tập trung 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trong đó, vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế, tại thời điểm 31/12/2020, vùng này có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước với 281,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,1% số doanh nghiệp cả nước, tăng 32,2% so với năm 2016; thu hút 5,4 triệu lao động, chiếm 36,6% tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp, tăng 1,5% so với năm 2016.
Vùng Đồng bằng sông Hồng là trung tâm kinh tế lớn thứ hai cả nước với 216,8 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 36,8% so với năm 2016; thu hút 4,9 triệu lao động, chiếm 33,2%, tăng 6,9% so với năm 2016.
Tiếp đến, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 89,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 13,0%, tăng 39,7% so với năm 2016, thu hút 1,7 triệu lao động, chiếm 11,4%, tăng 2% so với năm 2016.
Đứng thứ tư là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 50,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 7,4%, tăng 36,3% so với năm 2016, thu hút 1,2 triệu lao động, chiếm 8,1%, tăng 8,6% so với năm 2016.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đứng thứ năm với 28,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 4,1%, tăng 43,4% so với năm 2016, thu hút 936,1 nghìn lao động, chiếm 6,4%, tăng 14,3% so với năm 2016.
Cuối cùng là vùng Tây Nguyên có 17,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 2,6%, tăng 38,0% so với năm 2016, thu hút 226 nghìn lao động, chiếm 1,5%, giảm 6% so với năm 2016.
Như vậy, trong giai đoạn 2016-2020, mỗi vùng đã thu hút doanh nghiệp theo những cách riêng mà theo đó, nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp có thể dựa vào số liệu thống kê để thiết lập kế hoạch kinh doanh hiệu quả.