Tổng quan
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (Luật số 15/2023/QH15) là văn bản quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề và cơ sở y tế thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 (Luật số 40/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14). Với sự thay thế này, một số điểm mới quan trọng đã được Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 ghi nhận như: quy định cụ thể về người đại diện của người bệnh, việc kiểm tra đánh giá năng lực là bắt buộc đối với người hành nghề, cơ sở y tế phải tự đánh giá chất lượng hàng năm v.v.
Về hiệu lực, hầu hết các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 sẽ được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024. Tuy nhiên, một số quy định sẽ có hiệu lực áp dụng khác với thời gian trên nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức liên quan tiếp cận và điều chỉnh theo quy định mới. Trong bài viết này, TTVN Legal sẽ cập nhật cho độc giả một số điểm mới quan trọng của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 để cá nhân, tổ chức có liên quan kịp thời nắm bắt thông tin và chủ động thích ứng trong quá trình hoạt động của mình.
Các điểm mới
1. Mở rộng đối tượng được cấp giấy phép hành nghề
Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 là thay đổi từ việc cấp chứng chỉ hành nghề theo “văn bằng chuyên môn” sang cấp giấy phép hành nghề theo “chức danh chuyên môn”. Cụ thể, Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định 7 đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề, bao gồm: Bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, lương y và người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Nay, Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã mở rộng thêm 3 đối tượng được cấp giấy phép hành nghề là: Dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.
2. Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề
Thứ nhất, nhằm nâng cao và chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ xét hồ sơ sang phải kiểm tra đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép. Quy định này là bắt buộc đối với các chức danh sau: Bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng. Thẩm quyền triển khai việc kiểm tra đánh giá và tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại thuộc về Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Thứ hai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã thay đổi tên gọi từ “chứng chỉ hành nghề” thành “giấy phép hành nghề” và quy định thời hạn của giấy phép hành nghề là 05 năm. Khi giấy phép hành nghề hết hạn, người hành nghề được quyền đề nghị gia hạn giấy phép hành nghề. Việc gia hạn giấy phép hành nghề được xem xét bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 32 Luật.
3. Đối với người hành nghề là người nước ngoài thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam
Người nước ngoài được khuyến khích thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện hành nghề theo quy định pháp luật. Về nguyên tắc, người nước ngoài phải sử dụng tiếng Việt trong khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cho phép người nước ngoài sử dụng ngôn ngữ khác tiếng Việt để khám, chữa bệnh trong các trường hợp sau:
- Người bệnh có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ với người hành nghề; người bệnh có khả năng sử dụng chung ngôn ngữ mà người hành nghề đã đăng ký;
- Người bệnh là người nước ngoài và không có khả năng sử dụng chung ngôn ngữ với người hành nghề;
- Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh theo thỏa thuận hợp tác giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam với cơ sở y tế của nước ngoài.
Để thực hiện việc khám, chữa bệnh bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt, người nước ngoài cần tuân thủ nghĩa vụ đăng ký và có phiên dịch viên phù hợp. Chính phủ Việt Nam sẽ hướng dẫn chi tiết quy định này.
4. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Ứng dụng công nghệ vào quản lý lĩnh vực y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Mặt khác, để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, Điều 57 và Điều 58 Luật quy định: hàng năm, cơ sở y tế phải tự đánh giá chất lượng khám, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, cơ sở y tế phải chủ động cập nhật kết quả tự đánh giá này lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá về mức độ chất lượng của các cơ sở y tế.
Ngoài ra, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 còn mở rộng thêm cơ chế tự chủ cho các cơ sở y tế, theo đó các cơ sở y tế được tự chủ trong quyết định về tổ chức nhân sự, các hình thức huy động nguồn lực, được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng v.v để có nguồn đầu tư nâng cao các dự án phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh.
5. Một số quy định khác về khám bệnh, chữa bệnh
*Đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
1. Chứng chỉ hành nghề đã được cấp trước ngày 01 tháng 01 năm 2024 thì được chuyển đổi sang giấy phép hành nghề và thực hiện việc gia hạn định kỳ 05 năm một lần.
2. Việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với hồ sơ đã nộp trước ngày 01 tháng 01 năm 2024 được thực hiện theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.
3. Các trường hợp người đề nghị cấp giấy phép hành nghề không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023:
- Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh bác sỹ từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026;
- Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2027;
- Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2028.
4. Người được cấp văn bằng đào tạo y sỹ trình độ trung cấp sau ngày 31 tháng 12 năm 2026 thì không được cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ.
*Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 được tiếp tục hoạt động mà không phải cấp lại giấy phép hoạt động.
2. Thứ hai, việc cấp giấy phép hoạt động đối với hồ sơ đề nghị đã nộp trước ngày 01 tháng 01 năm 2024 được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.
3. Thứ ba, việc cấp giấy phép hoạt động đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động nộp từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026 được giải quyết theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023, trừ việc cấp giấy phép hoạt động cho bệnh viện tư nhân.
4. Thứ tư, việc cấp mới, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với bệnh viện tư nhân từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026 do Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện.
TTVN Legal có thể hỗ trợ Khách hàng những gì?
Dựa trên nhu cầu cụ thể của Khách hàng, TTVN Legal sẽ:
- Tư vấn về khả năng đáp ứng điều kiện cần và đủ đối với nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực y tế;
- Tư vấn về điều kiện và thủ tục thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam;
- Tư vấn pháp lý thường xuyên cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam;
- Tư vấn về điều kiện và thủ tục cấp giấy phép hành nghề đối với người nước ngoài khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam;
- Tư vấn về điều kiện và thủ tục chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh tại Việt nam với tổ nước, cá nhân nước ngoài;
- Tư vấn và đại diện cho người bệnh trong các tranh chấp liên quan đến sai sót chuyên môn kỹ thuật;
- Tư vấn và hỗ trợ thực hiện các thủ tục khác liên quan đến lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.
Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu Quý khách cần tư vấn thêm.
Ghi chú: Bài viết này chỉ dành để tham khảo và không được xem là bản tư vấn pháp lý. Nội dung bài viết thể hiện ý kiến riêng của TTVN Legal, nội dung này có thể thay đổi mà không cần thông báo trước.