Điều Kiện Cấp Giấy Phép Hành Nghề Khám, Chữa Bệnh từ Ngày 01/01/2024

Conditions for Granting a Medical License to Practice in Vietnam from January 1, 2024 | Điều Kiện Cấp Giấy Phép Hành Nghề Khám, Chữa Bệnh từ Ngày 01/01/2024

Điều kiện cấp giấy phép hành nghề là một trong những thông tin quan trọng mà cá nhân có nhu cầu thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh cần quan tâm. Hiện nay, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 để thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 trong việc điều chỉnh các hoạt động ở lĩnh vực y tế. Do đó, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, các điều kiện cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam được áp dụng theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Đối tượng phải đề nghị cấp giấy phép hành nghề

Cá nhân có nhu cầu hành nghề khám, chữa bệnh được lựa chọn chức danh chuyên môn tương ứng với năng lực của mình. Theo Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, việc hành nghề theo các chức danh chuyên môn sau đây bắt buộc phải có cấp giấy phép hành nghề:

  • Bác sỹ;
  • Y sỹ;
  • Điều dưỡng viên;
  • Hộ sinh viên;
  • Kỹ thuật viên;
  • Dinh dưỡng lâm sàng;
  • Cấp cứu viên ngoại viện;
  • Tâm lý lâm sàng;
  • Lương y;
  • Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Điều kiện cấp giấy phép hành nghề

Điều kiện cấp giấy phép hành nghề được áp dụng cho các trường hợp sau: (i) Cá nhân lần đầu tiên đề nghị cấp phép; (ii) Người hành nghề thay đổi chức danh chuyên môn; (iii) Người bị thu hồi giấy phép và thuộc trường hợp được cấp mới giấy phép theo quy định; và (iv) Các trường hợp khác theo quy định của Chính Phủ. Khi thuộc một trong các trường hợp trên, người đề nghị phải đáp ứng những điều kiện tại Điều 30 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 để được cấp giấy phép hành nghề, bao gồm:

1. Có đủ năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Người đề nghị phải được đánh giá đủ năng lực hành nghề khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề.

Đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng, việc đủ năng lực hành nghề được đánh giá thông qua: (1) Kiểm tra đánh giá năng lực khám, chữa bệnh theo quy định tại Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023; hoặc (2) Có giấy phép hành nghề được thừa nhận theo quy định tại Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.

Đối với các chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền, việc đủ năng lực hành nghề được đánh giá thông qua giấy chứng nhận tương ứng.

2. Có đủ sức khỏe để hành nghề

Người đề nghị phải có đủ sức khỏe để hành nghề khi có nhu cầu được cấp giấy phép hành nghề. Người đề nghị có thể cung cấp Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp hoặc các tài liệu khác tương đương để chứng minh mình đáp ứng điều kiện này.

3. Có năng lực sử dụng tiếng Việt

Việc khám, chữa bệnh được thực hiện tại Việt Nam, do đó, người đề nghị phải có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Việt để được cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp giấy phép hành nghề. Trường hợp người đề nghị là người nước ngoài thì người này vẫn cần đáp ứng năng lực sử dụng tiếng Việt và được phép đăng ký sử dụng ngôn ngữ khác theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.

4. Không thuộc trường hợp không được cấp giấy phép hành nghề

Theo quy định tại Điều 20 và điểm d khoản 2 Điều 30 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, người đề nghị sẽ được xem xét cấp giấy phép hành nghề khi không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật;
  • Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật;
  • Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện;
  • Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
  • Đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
  • Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều Kiện Cấp Giấy Phép Hành Nghề Khám, Chữa Bệnh từ Ngày 01/01/2024

Lưu ý chung

Cùng với các điều kiện mà người đề nghị cấp giấy phép hành nghề cần phải đáp ứng như đã nêu ở trên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 còn quy định về thời hạn áp dụng đối với một số điều kiện, cụ thể:

1. Việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh

Thời điểm bắt đầu triển khai việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề đối với các chức danh cụ thể được quy định như sau:

  • Từ ngày 01 tháng 01 năm 2027 đối với bác sỹ;
  • Từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 đối với y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh;
  • Từ ngày 01 tháng 01 năm 2029 đối với kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.

Như vậy, từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày bắt đầu triển khai việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo từng chức danh cụ thể, người đề nghị cấp giấy phép hành nghề không phải tham gia kiểm tra đánh giá năng lực. Việc chứng minh đủ năng lực hành nghề của người đề nghị được thể hiện qua các tài liệu về văn bằng chuyên môn, thời gian thực hành v.v. và sẽ được hướng dẫn cụ thể bởi Chính phủ.

2. Đối với chức danh y sỹ

Người được cấp văn bằng đào tạo y sỹ trình độ trung cấp sau ngày 31 tháng 12 năm 2026 thì không được cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ.

3. Điều kiện ngôn ngữ đối với người nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2032, người nước ngoài phải sử dụng thành thạo tiếng Việt trong hoạt động khám, chữa bệnh. Điều này được hiểu là, từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến ngày 31 tháng 12 năm 2031, người nước ngoài không bắt buộc phải thành thạo tiếng Việt khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề. Tham khảo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009: người nước ngoài có thể đăng ký sử dụng ngôn ngữ mà họ thành thạo khi tham gia các chương trình đào tạo về chuyên môn và được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền. Các quy định cụ thể về việc đáp ứng điều kiện này của người nước ngoài sẽ được Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

TTVN Legal có thể hỗ trợ Khách hàng những gì?

Dựa trên nhu cầu cụ thể của Khách hàng, TTVN Legal sẽ:

  • Tư vấn về khả năng đáp ứng điều kiện cần và đủ đối với người có nhu cầu hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam;
  • Tư vấn và hỗ trợ thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam;
  • Tư vấn về việc thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh tại Việt Nam đối với người hành nghề là người nước ngoài;
  • Tư vấn và đại diện cho người hành nghề trong các hoạt động pháp lý liên quan đến việc hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam.

Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu Quý khách cần tư vấn thêm. 

Ghi chú: Bài viết này chỉ dành để tham khảo và không được xem là bản tư vấn pháp lý. Nội dung bài viết thể hiện ý kiến riêng của TTVN Legal, nội dung này có thể thay đổi mà không cần thông báo trước.