Chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là kết thúc tư cách pháp lý của Văn phòng đại diện đã được cấp giấy phép hoạt động theo đề nghị của thương nhân nước ngoài hoặc theo quy định pháp luật. Liên quan đến vấn đề này, pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể về các trường hợp chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện và trình tự, thủ tục cần thực hiện. Trong bài viết này, TTVN Legal sẽ cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin cơ bản về vấn đề này để nhà đầu tư có thể chủ động trong việc vận hành một Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
1. Những trường hợp dẫn đến chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp tại Điều 35 Nghị định 07/2016/NĐ-CP như sau:
- Theo đề nghị của thương nhân nước ngoài;
- Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của quốc gia nơi thương nhân đó thành lập;
- Hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà thương nhân nước ngoài không đề nghị gia hạn hoặc không được cơ quan cấp phép đồng ý gia hạn;
- Bị thu hồi Giấy phép thành lập do vi phạm hoặc không còn đáp ứng đủ các điều kiện để mở Văn phòng đại diện.
2. Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện
Bước 1: Đề nghị chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện tại cơ quan cấp giấy phép
Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến đến cơ quan cấp giấy phép.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy phép có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện.
Bước 2: Đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế tại cơ quan thuế quản lý
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài phải hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước khi đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đến cơ quan thuế quản lý.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ và ban hành Thông báo về việc Văn phòng đại diện ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế xác minh được Văn phòng đại diện đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc Văn phòng đại diện chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định.
Bước 3: Giao nộp con dấu của Văn phòng đại diện cho cơ quan công an
Thương nhân nước ngoài giao nộp con dấu của Văn phòng đại diện cho cơ quan công an đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu trước đó để cơ quan công an thu hồi và hủy con dấu theo quy định pháp luật.
3. Hồ sơ thực hiện về việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện
Thủ tục 1: Đề nghị chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện tại cơ quan cấp giấy phép:
Thương nhân nước ngoài chuẩn bị các tài liệu theo quy định tại Điều 35 Nghị định 07/2016/NĐ-CP như sau:
- Thông báo về việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện (thương nhân nước ngoài ký);
- Bản sao văn bản của cơ quan cấp Giấy phép không gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (trong trường hợp chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện vì lý do không được cơ quan cấp giấy phép cho phép gia hạn thời hạn hoạt động) hoặc bản sao Quyết định thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo Quyết định của cơ quan cấp giấy phép);
- Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;
- Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;
- Bản chính giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
Thủ tục 2: Đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế tại cơ quan thuế quản lý:
Thương nhân nước ngoài chuẩn bị các tài liệu theo quy định tại Điều 14 Thông tư 105/2020/TT-BTC như sau:
- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
- Bản sao quyết định hoặc thông báo chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện, bản sao quyết định thu hồi giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (nếu có);
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thuế.
Thủ tục 3: Giao nộp con dấu tại cơ quan công an:
Thương nhân nước ngoài giao nộp con dấu cho cơ quan công an kèm các tài liệu tham khảo theo Nghị định 99/2016/NĐ-CP sau:
- Công văn giao nộp con dấu;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu;
- Bản sao Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện;
- Con dấu của Văn phòng đại diện;
- Văn bản chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện.
4. Lưu ý cho nhà đầu tư
Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, do đó, hoạt động của Văn phòng đại diện được chịu trách nhiệm bởi thương nhân nước ngoài và người đứng đầu Văn phòng đại diện. Thương nhân nước ngoài chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thương nhân nước ngoài và Văn phòng đại diện phải niêm yết công khai việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện tại trụ sở của Văn phòng đại diện.
Để không làm gián đoạn hoạt động thương mại của mình, thương nhân nước ngoài cần tìm hiểu một cách tổng quát về hoạt động của Văn phòng đại diện: từ khi bắt đầu thành lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ, việc đăng ký thuế, tuyển dụng… đến khi có nhu cầu chấm dứt hoạt động.
TTVN Legal có thể hỗ trợ nhà đầu tư những gì?
Dựa trên nhu cầu cụ thể của nhà đầu tư khi tiếp cận thị trường Việt Nam, TTVN Legal sẽ:
- Tư vấn về khả năng đáp ứng các điều kiện cần và đủ của nhà đầu tư trước khi thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam;
- Tư vấn thủ tục đề nghị thành lập Văn phòng đại diện, quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện và các thủ tục cần thiết sau khi được cấp phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam;
- Tư vấn pháp lý thường xuyên, cảnh báo rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong quá trình hoạt động, hỗ trợ thực hiện các báo cáo theo quy định của pháp luật của Văn phòng đại diện tại Việt Nam;
- Tư vấn và giới thiệu cho nhà đầu tư các đối tác tiềm năng liên quan đến hoạt động dự kiến của Văn phòng đại diện tại Việt Nam;
- Tư vấn và hỗ trợ nhà đầu tư chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện.