Dân số hiện tại của Việt Nam là 98.856.989 người (cập nhật ngày 17/05/2022 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc) nên Việt Nam là một thị trường bán lẻ hấp dẫn, giàu tiềm năng, thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào phân khúc này. Tuy nhiên, khi muốn thực hiện hoạt động bán lẻ tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng những điều kiện nhất định.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam (Công ty FDI) muốn thực hiện hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam phải được cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa bởi Sở Công thương.
Để được xem xét cấp Giấy phép kinh doanh, Công ty FDI cần phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 như sau:
- Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
Để thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh thì cần chuẩn bị hồ sơ, bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018).
- Bản giải trình có nội dung:
- Giải trình về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh tương ứng như đã nêu;
- Kế hoạch kinh doanh: Mô tả nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh; trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của kế hoạch kinh doanh;
- Kế hoạch tài chính: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính;
- Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa;
- Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).
Với giấy phép kinh doanh thực hiện phân phối bán lẻ, Công ty FDI được thực hiện bán lẻ trực tuyến trên các website công ty và các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ, công ty phải xin giấy phép kinh doanh và thành lập cơ sở bán lẻ.
Đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất, Công ty FDI cần phải xem xét và đáp ứng các yêu cầu:
- Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ;
- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;
- Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý.
Để thực hiện thủ tục xin Giấy phép lập cơ sở bán lẻ, Công ty FDI cần phải chuẩn bị hồ sơ, bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ (Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018);
- Bản giải trình về nội dung như sau:
- Địa điểm lập cơ sở bán lẻ: Địa chỉ cơ sở bán lẻ; mô tả khu vực chung, có liên quan và khu vực sử dụng để lập cơ sở bán lẻ; giải trình việc đáp ứng điều kiện về việc địa điểm cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý; kèm theo tài liệu về địa điểm lập cơ sở bán lẻ;
- Kế hoạch kinh doanh tại cơ sở bán lẻ
- Kế hoạch tài chính cho việc lập cơ sở bán lẻ
Trong trường hợp muốn lập nhiều hơn một cơ sở bản lẻ, thì từ cơ sở bán lẻ thứ hai trở về sau, Công ty FDI phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật thì mới được cấp phép, bao gồm các điều kiện như cơ sở bán lẻ thứ nhất và thêm các tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) nếu thuộc trường hợp quy định pháp luật cần ENT.
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, nếu Công ty FDI mở cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất đáp ứng đủ các điều kiện sau thì không phải thực hiện ENT: (i) diện tích nhỏ hơn 500m2, (ii) nằm trong trung tâm thương mại và (iii) không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Do đó, nếu Công ty FDI không đáp ứng điều kiện trên thì cần phải thực hiện ENT khi thành lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất.
Thủ tục thực hiện đối với trường hợp ENT và không cần ENT khi khi thành lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất là khác nhau. Theo đó, đối với trường hợp ENT sẽ nhiều bước hơn và trong đó có giai đoạn thành lập Hội đồng ENT và đánh giá các tiêu chí ENT theo quy định của pháp luật.
Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu Quý khách cần tư vấn thêm.
Ghi chú: Bài viết này chỉ dành để tham khảo và không được xem là bản tư vấn pháp lý. Nội dung bài viết thể hiện ý kiến riêng của TTVN Legal, nội dung này có thể thay đổi mà không cần thông báo trước.