Giáo dục và đào tạo là ngành nghề kinh doanh được chú trọng phát triển tại Việt Nam thông qua nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có các chính sách về thuế. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số quy định nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và khôi phục hoạt động kinh doanh khi chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kể cả những doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Do đó, hiện tại, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang được áp dụng những quy định về thuế như sau:
1. Chính Sách Thuế Ưu Đãi Cho Lĩnh Vực Giáo Dục và Đào Tạo
Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế suất ưu đãi 10% được áp dụng trong suốt thời gian hoạt động đối với thu nhập mà doanh nghiệp có được từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời, trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục và đào tạo tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn thì được miễn thuế không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 9 năm tiếp theo; doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục và đào tạo tại địa bàn khác thì được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 5 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được miễn thuế TNDN đối với: (1) Phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành; và (2) Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục. Đối với doanh nghiệp, tổ chức thực hiện chi tài trợ cho giáo dục thì cũng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
2. Miễn Thuế GTGT Cho Hoạt Động Giáo Dục và Đào Tạo
Theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), hoạt động dạy học, dạy nghề thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm: Dạy học, dạy nghề; Hoạt động xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học – kỹ thuật vv. qua đó góp phần giảm chi phí, giá thành của các sản phẩm, dịch vụ giáo dục.
3. Ưu Đãi Đầu Tư Và Miễn Thuế Xuất Nhập Khẩu Cho Giáo Dục và Đào Tạo
Theo quy định của các Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì giáo dục là ngành nghề ưu đãi đầu tư. Do đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục được áp dụng các chính sách ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng phục vụ cho giáo dục mà ở trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất của cơ sở thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
4. Giảm Thuế Suất GTGT và Ưu Đãi Khác
Theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ thì các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được hưởng ưu đãi cho toàn bộ thời gian của dự án, trong đó, mức ưu đãi tối đa là miễn tiền thuê đất và mức tối thiểu bằng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.
5. Hỗ Trợ Khác Về Thuế và Phí
Theo Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 ngày 11/01/2022, thuế suất GTGT được giảm 2% đối với một nhóm hàng hóa, dịch vụ nhất định đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%. Với quy định này, các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đang chịu thuế GTGT 10% thì từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2023, mức thuế suất GTGT này chỉ còn 8%. Đồng thời, Nghị quyết này cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 nêu trên, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu, xây dựng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét theo thẩm quyền việc tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khác về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2022 như: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2022;… Bộ Tài chính cũng tiếp tục thực hiện việc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí theo thẩm quyền trong năm 2022.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất về việc “cho phép các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên không phải nộp thuế TNDN đối với học phí chính quy”. Đề xuất này đã được Bộ Tài chính ghi nhận bên cạnh việc tiến hành Báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật thuế TNDN, để báo cáo cho Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.