Văn phòng đại diện tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc được cấp phép hoạt động tại Việt Nam của thương nhân nước ngoài. Pháp luật Việt Nam quy định: văn phòng đại diện thực hiện chức năng văn phòng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh của thương nhân mà mình đại diện trong phạm vi được cấp phép (theo khoản 6 Điều 3 Luật Thương mại số 36/2005/QH11, Điều 30 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP). Bên cạnh việc triển khai các hoạt động nêu trên, Văn phòng đại diện và thương nhân nước ngoài cần quan tâm đến nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.
1. Việc tính thuế của Văn phòng đại diện tại Việt Nam
Căn cứ vào nội dung hoạt động, nghĩa vụ thuế của Văn phòng đại diện tại Việt Nam được quy định như sau:
Thứ nhất, Văn phòng đại diện không được phép thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam, do đó, Văn phòng đại diện không phát sinh nghĩa vụ thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và Điều 3 Luật Thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12), không phải thực hiện các nghĩa vụ về sổ sách kế toán, trừ trường hợp lập sổ sách kế toán nội bộ theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài.
Thứ hai, Văn phòng đại diện tuyển dụng lao động tại Việt Nam nên có trách nhiệm trả lương và khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người lao động (theo quy định tại Điều 24 và Điều 33 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12).
Thứ ba, trường hợp thương nhân nước ngoài có hoạt động sinh lợi tại Việt Nam thì Văn phòng đại diện có trách nhiệm đăng ký và kê khai thuế nhà thầu đối với hoạt động sinh lợi đó (theo quy định tại Điều 1 và Điều 4 Thông tư số 103/2014/TT-BTC).
2. Hướng dẫn việc kê khai thuế của Văn phòng đại diện
Với các nghĩa vụ thuế nêu trên, Văn phòng đại diện có trách nhiệm: (1) đăng ký mã số thuế, thực hiện việc khấu trừ thuế khi trả lương cho người lao động; và (2) kê khai thuế nhà thầu theo quy định. Việc đăng ký mã số thuế được thực hiện tại cơ quan quản lý thuế nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở trong vòng 10 ngày kể từ ngày Văn phòng đại diện được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Trường hợp Văn phòng đại diện nộp hồ sơ đăng ký mã số thuế chậm hơn thời gian quy định thì trưởng Văn phòng đại diện cần giải trình theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
Mặc dù Văn phòng đại diện không cần phải làm báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc duy trì hệ thống kế toán nhưng cần thực hiện ghi chép, duy trì sổ sách ngân hàng và sổ quỹ tiền mặt để có thể giải trình các luồng tiền được thương nhân nước ngoài chuyển vào khi có yêu cầu của cơ quan quản lý tại Việt Nam.
Tóm lại, nghĩa vụ thuế của Văn phòng đại diện tại Việt Nam được quy định đơn giản hơn so với một doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh rủi ro không đáng có trong việc thành lập và hoạt động Văn phòng đại diện, thương nhân nước ngoài và trưởng Văn phòng đại diện nên chủ động tìm hiểu thông tin và tham khảo ý kiến của luật sư, kế toán tại Việt Nam để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết.
TTVN Legal có thể hỗ trợ nhà đầu tư những gì?
Dựa trên nhu cầu cụ thể của nhà đầu tư khi tiếp cận thị trường Việt Nam, TTVN Legal sẽ:
- Tư vấn về khả năng đáp ứng các điều kiện cần và đủ của nhà đầu tư trước khi thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam;
- Tư vấn thủ tục đề nghị thành lập Văn phòng đại diện, quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện và các thủ tục cần thiết sau khi được cấp phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam;
- Tư vấn pháp lý thường xuyên, cảnh báo rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong quá trình hoạt động, hỗ trợ thực hiện các báo cáo theo quy định của pháp luật của Văn phòng đại diện tại Việt Nam;
- Tư vấn và giới thiệu cho nhà đầu tư các đối tác tiềm năng liên quan đến hoạt động dự kiến của Văn phòng đại diện tại Việt Nam;
- Tư vấn và hỗ trợ nhà đầu tư chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện.
Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu Quý khách cần tư vấn thêm.
Ghi chú: Bài viết này chỉ dành để tham khảo và không được xem là bản tư vấn pháp lý. Nội dung bài viết thể hiện ý kiến riêng của TTVN Legal, nội dung này có thể thay đổi mà không cần thông báo trước.