Khi quan tâm đầu tư vào lĩnh vực y tế, cụ thể trong ngành dược, từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến phân phối sản phẩm ra thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có những mối quan tâm đến mức độ mở cửa của chính phủ Việt Nam. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Quyền phân phối sản phẩm dược của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Luật Dược 105/2016/QH13, định nghĩa Dược là thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hoá dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm. Nguyên liệu làm thuốc là thành phần tham gia vào cấu tạo của thuốc bao gồm dược chất, dược liệu, tá dược, vỏ nang được sử dụng trong quá trình sản xuất thuốc.
Theo biểu cam kết WTO, Việt Nam đã loại ra khỏi phạm vi cam kết trong dịch vụ phân phối đối với một số mặt hàng nhất định, trong đó có dược phẩm (không bao gồm các sản phẩm bổ dưỡng phi dược phẩm dưới dạng viên nén, viên con nhộng hoặc bột). Điều này, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không được phép hoạt động kinh doanh phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam.
Khoản 10 Điều 91 Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định: “Các cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trừ thuốc và nguyên liệu làm thuốc do chính cơ sở sản xuất tại Việt Nam, bao gồm:
- Bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc, giao thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ, cá nhân, tổ chức không phải là cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
- Nhận đơn đặt hàng, nhận thanh toán thuốc, nguyên liệu làm thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ, cá nhân, tổ chức không phải là cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
- Vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
- Xác định, áp đặt giá bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối;đ) Quyết định chiến lược phân phối, chính sách kinh doanh của thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối;
- Xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam;
- Hỗ trợ tài chính dưới mọi hình thức cho tổ chức, cá nhân trực tiếp mua thuốc, nguyên liệu làm thuốc của cơ sở nhằm mục đích thao túng việc phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu;
- Thực hiện các hành vi khác liên quan đến phân phối thuốc theo quy định của pháp luật.”
Theo nội dung này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện quyền phân phối thuốc và nguyên liệu làm thuốc khi những sản phẩm này được nhập khẩu, điều này giúp nhà nước thực hiện tốt công tác quản lý đối với ngành nghề kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Một ví dụ, tại Công văn số 1109/QLD-KD ngày 24/09/2021, Cục Quản lý Dược thông tin về cơ sở bán buôn mua thuốc, nguyên liệu làm thuốc của cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam để phân phối, cụ thể Công ty TNHH Johnson & Johnson (Việt Nam) có quyền nhập khẩu, trong khi đó Cơ sở có quyền bán buôn đối với sản phẩm do Johnson & Johnson nhập khẩu là Công ty TNHH Một thành viên Vimedimex Bình Dương.
Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu Quý khách cần tư vấn thêm.
Ghi chú: Bài viết này chỉ dành để tham khảo và không được xem là bản tư vấn pháp lý. Nội dung bài viết thể hiện ý kiến riêng của TTVN Legal, nội dung này có thể thay đổi mà không cần thông báo trước.