Những điểm mới trong Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT quy định về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài

Ngày 14/02/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 01/4/2022 (sau đây gọi là “Thông tư 02”) để hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, thay thế cho Thông tư 09/2016/TT-BKHĐT (sau đây gọi là “Thông tư 09”).

Với mong muốn hỗ trợ cho các nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt các quy định mới về chính sách đầu tư, TTVN Legal đã tiến hành nghiên cứu và tổng hợp sự khác biệt giữa Thông tư 02 so với Thông tư 09 trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, một số nội dung quan trọng như sau:

1. Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT về Giám Sát và Đánh Giá Đầu Tư Nước Ngoài

Khoản 1 Điều 1 Thông tư 02 đã thay thế thuật ngữ “theo dõi, kiểm tra” trong khoản 1 Điều 1 Thông tư 09 bằng việc gọi chung là “giám sát”. Đây là thay đổi nhằm thống nhất thuật ngữ, xuất phát từ quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 29/2021/NĐ-CP (sau đây gọi là “Nghị định 29”).

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 1 Thông tư 02 cũng đã loại bỏ hoạt động chứng khoán trong phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. Do đó, Thông tư 02 được xác định là văn bản quy định về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhưng không bao gồm hoạt động đầu tư chứng khoán. Việc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

2. Thay Đổi Quy Định Về Công Tác Giám Sát và Đánh Giá Đầu Tư Nước Ngoài 

Điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư 02 đã thay đổi quy định về thời hạn nộp báo cáo thực hiện giám sát, đánh giá theo định kỳ hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể, thời hạn nộp báo cáo này là trước ngày 01/03 của năm sau năm báo cáo, thay vì trước ngày 20/02 của năm sau năm báo cáo như quy định của Thông tư 09.

Bên cạnh cơ quan đăng ký đầu tư, Thông tư 02 đã ghi nhận thêm một chủ thể có thẩm quyền theo dõi hoạt động đầu tư, đó là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Tại Điều 5, Thông tư 02 đã quy định cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có thẩm quyền theo dõi hoạt động đầu tư với nội dung và cách thức theo dõi cụ thể. Trong đó, ngoài việc được phép theo dõi tình hình của các dự án, tổ chức kinh tế có hoạt động đầu tư tương tự như thẩm quyền của cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư còn được theo dõi tình hình thực hiện chế độ báo cáo và việc chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan đăng ký đầu tư. Việc bổ sung chủ thể có thẩm quyền theo dõi và mở rộng nội dung theo dõi hoạt động đầu tư làm cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư trở nên đa chiều và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, về công tác báo cáo tình hình theo dõi, Thông tư 02 đã bãi bỏ quy định về việc cơ quan đăng ký đầu tư phải báo cáo tình hình theo dõi cho Bộ kế hoạch và Đầu tư.

Thứ ba, về hình thức thực hiện việc theo dõi hoạt động đầu tư, Thông tư 02 đã đúc kết ngắn gọn thành “Theo dõi thường xuyên” tại quy định của Điều 6, thay vì chia nhỏ thành các hình thức trực tiếp, gián tiếp như Thông tư 09. Với sự thu gọn này, Thông tư 02 gần như đã tóm lược hoạt động “Theo dõi thông qua tham gia các đoàn công tác của các cơ quan nhà nước” và “Theo dõi gián tiếp” được quy định tại Điều 8 Thông tư 09 thành quy định: người theo dõi có thể “phối hợp với các đơn vị có liên quan để xem xét, phát hiện vấn đề”.

Thứ tư, đối với nội dung kiểm tra tổ chức kinh tế và dự án có vốn đầu tư nước ngoài, khoản 2 Điều 8 Thông tư 02 đã bổ sung việc kiểm tra đối với hai vấn đề sau:

  1. Việc ứng dụng công nghệ đối với dự án thuộc diện thẩm định, có ý kiến về công nghệ (công nghệ áp dụng so với công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến; việc thực hiện lắp đặt máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư);
  2. Điều kiện tiếp cận thị trường.

Thứ năm, đối với nội dung kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, khoản 7 Điều 9 Thông tư 02 đã viện dẫn quy định tại khoản 2 Điều 71 Nghị định 29 như một sự bổ sung so với quy định này ở Thông tư 09. Cụ thể, các nội dung bổ sung cho công tác kiểm tra này bao gồm:

  1. Việc thực hiện quy định tại văn bản quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
  2. Tiến độ thực hiện dự án, gồm tiến độ thực hiện vốn đầu tư, trong đó có vốn vay và tiến độ thực hiện mục tiêu dự án;
  3. Việc đáp ứng điều kiện đầu tư, điều kiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư (nếu có);
  4. Việc chấp hành quy định về giám sát, đánh giá đầu tư và chế độ báo cáo thống kê theo quy định;
  5. Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện.

Thứ sáu, việc kiểm tra hoạt động đầu tư được thực hiện dưới ba hình thức: kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất và kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, theo quy định của Thông tư 09, kiểm tra đột xuất được thực hiện:

  1. Theo từng vụ việc, trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế; hoặc
  2. Trên cơ sở đề nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư hoặc trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 10 Thông tư 02 đã bổ sung thêm một trường hợp thực hiện việc kiểm tra đột xuất, đó là khi “có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và dự án có vốn đầu tư nước ngoài”.

Thứ bảy, về cách thức kiểm tra, Điều 11 Thông tư 02 đã sửa đổi Điều 14 Thông tư 09 và chỉ ghi nhận ba cách thức mà cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra của mình, bao gồm:

  1. Thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
  2. Thông qua báo cáo;
  3. Tổ chức đoàn kiểm tra, đoàn công tác.

Với quy định này, Thông tư 02 đã lược bỏ việc kiểm tra “Thông qua sơ kết, tổng kết” và “Họp, giao ban”, đồng thời việc kiểm tra thông qua báo cáo không còn được quy định phải thực hiện “bằng văn bản”. Sự rút gọn này của Thông tư 02 đã góp phần giản lược và linh hoạt hóa hoạt động kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác giám sát đầu tư.

Thứ tám, về công tác thông báo kế hoạch kiểm tra định kỳ, cả Thông tư 02 và Thông tư 09 đều ghi nhận trách nhiệm công bố và thông báo công khai kế hoạch kiểm tra này trên trang tin điện tử của cơ quan tổng hợp, cơ quan chủ trì kiểm tra và trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 12 Thông tư 02 đã bổ sung thời hạn mà các cơ quan có trách nhiệm phải thực hiện việc công bố và thông báo công khai là 07 ngày, kể từ khi kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc bổ sung thời hạn của Thông tư 02 làm cho hoạt động công bố và thông báo kế hoạch trở nên rõ ràng hơn, cụ thể và dễ tiếp cận hơn đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến kế hoạch kiểm tra.

Thứ chín, đối với hoạt động kiểm tra thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư, Thông tư 02 đã điều chỉnh ba nội dung kiểm tra, bao gồm: nội dung của văn bản chấp thuận/cấp phép về đầu tư, việc báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước và việc báo cáo của tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư. Trong đó, với việc kiểm tra nội dung của văn bản cấp phép, Thông tư 02 đã bổ sung thêm “Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư” so với Thông tư 09. Cụ thể, các nội dung kiểm tra thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư được quy định tại Điều 13Thông tư 02 bao gồm:

  1. Nội dung quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
  2. Việc thực hiện quy định về báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước;
  3. Việc thực hiện quy định về cập nhật thông tin, báo cáo của tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư.

Mười, đối với hoạt động kiểm tra thông qua báo cáo, Điều 14 Thông tư 02 đã quy định chủ thể có thẩm quyền kiểm tra phải gửi yêu cầu chuẩn bị tài liệu bằng văn bản đến cơ quan, đơn vị được kiểm tra. Trong trường hợp thông thường, thời gian cho cơ quan, đơn vị được kiểm tra chuẩn bị báo cáo tối thiểu là 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu từ chủ thể có thẩm quyền. Thời gian chuẩn bị báo cáo này đã được Thông tư 02 điều chỉnh theo hướng kéo dài hơn thay vì quy định là tối thiểu 07 ngày làm việc như Thông tư 09. Sự thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho cơ quan, đơn vị được kiểm tra có thể chuẩn bị tốt nhất việc báo cáo của họ, góp phần cho việc kiểm tra của cơ quan nhà nước được hiệu quả, toàn diện hơn.

Mười một, đối với hoạt động tổ chức đoàn kiểm tra, khoản 3 Điều 15 Thông tư 02 đã điều chỉnh đơn vị thời gian từ “ngày làm việc” của Thông tư 09 thành “ngày làm việc thực tế”. Cụ thể, khi tổ chức kiểm tra tại hiện trường, thời gian thực hiện tối đa là 20 ngày và không quá 30 ngày làm việc thực tế trong trường hợp cuộc kiểm tra phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, địa bàn. Thời gian kiểm tra đối với mỗi tổ chức kinh tế, dự án cũng được điều chỉnh thành không quá 03 ngày làm việc thực tế và trong trường hợp nội dung kiểm tra phức tạp thì không quá 05 ngày làm việc thực tế. Ngoài ra, điểm c khoản 2 Điều 15 Thông tư 02 còn bổ sung quy định về việc chuẩn bị tài liệu, theo đó, đối tượng kiểm tra có thời gian chuẩn bị tài liệu là tối thiểu 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu. Sự bổ sung này là thích hợp và thống nhất với quy định về thời gian chuẩn bị tài liệu của đối tượng kiểm tra tại Điều 14 Thông tư 02.

Mười hai, Điều 16 Thông tư 02 quy định về kinh phí cho công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước và viện dẫn các quy định tương ứng tại Nghị định 29. Theo đó, khoản 3 Điều 88 Nghị định 29 đã điều chỉnh và cụ thể hóa các định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư như sau:

  1. Chi phí cho công tác giám sát đầu tư do chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP tự thực hiện được tính bằng 10% chi phí quản lý chương trình, dự án;
  2. Chi phí cho công tác đánh giá đầu tư được tính bằng % chi phí quản lý chương trình, dự án theo quy định hiện hành như sau: chi phí đánh giá ban đầu: 2%; chi phí đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn: 2%; chi phí đánh giá kết thúc: 3%; chi phí đánh giá đột xuất: 3%.

Trường hợp vận dụng định mức chi phí không phù hợp hoặc chương trình, dự án có quy mô lớn hoặc trường hợp cần phải thuê tư vấn nước ngoài, liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài thực hiện thì tổ chức lập dự toán để xác định chi phí.

Bên cạnh đó, điểm a khoản 5 Điều 90 Nghị định 29 đã điều chỉnh mức kinh phí tối thiểu cho hoạt động hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã là 10 triệu đồng/năm cho một xã thay vì tối thiểu 5 triệu đồng/năm cho một xã theo quy định của Nghị định 84/2015/NĐ-CP.

Mười ba, đối với việc báo cáo kết quả kiểm tra, Điều 17 Thông tư 02 đã điều chỉnh thời hạn tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra thành 20 ngày làm việc, thay vì chỉ 10 ngày làm việc như quy định của Thông tư 09. Ngoài ra, Thông tư 02 còn quy định dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra không những được gửi cho các cơ quan tham gia kiểm tra (trong trường hợp kiểm tra liên ngành) hoặc các thành viên tham gia Đoàn kiểm tra (trong trường hợp thành lập Đoàn kiểm tra) mà còn phải được gửi cho cơ quan, đơn vị được kiểm tra để lấy ý kiến, trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Ghi chú: Bài viết này chỉ dành để tham khảo và không được xem là bản tư vấn pháp lý. Nội dung bài viết thể hiện ý kiến riêng của TTVN Legal, nội dung này có thể thay đổi mà không cần thông báo trước.