Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị và thành viên Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị (HĐQT) là một cơ quan quản lý trong cơ cấu của Công ty cổ phần (CTCP) có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

Bởi vì tính quan trọng của mình, việc thành lập, duy trì HĐQT nói chung và việc bầu thành viên HĐQT nói riêng, là một trong những công việc được ưu tiên xem xét đối với hầu hết các CTCP. Nhiệm kỳ HĐQT đã có sự khác biệt theo những lần thay đổi của pháp luật doanh nghiệp, cụ thể, nhiệm kỳ của HĐQT theo Luật Doanh nghiệp năm 1990 do Điều lệ Công ty quy định, nhiệm kỳ của HĐQT theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì cố định 5 năm, không có ngoại lệ dài hoặc ngắn hơn. Đến Luật Doanh nghiệp 2014, hiện nay được thay thế bởi Luật Doanh nghiệp 2020, đều có quy định chung về việc bỏ nhiệm kỳ của HĐQT và chỉ quy định về nhiệm kỳ của thành viên HĐQT.

“Nhiệm kỳ của HĐQT” quy định các thành viên trong cùng một HĐQT có thời hạn kết thúc nhiệm kỳ như nhau. Điều này đồng nghĩa với việc, khi bắt đầu thành lập HĐQT, các thành viên được bầu vào HĐQT của một nhiệm kỳ sẽ có thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc nhiệm kỳ như nhau (và không quá 05 (năm) năm theo quy định của pháp luật doanh nghiệp). Trong trường hợp một (hoặc một vài) thành viên HĐQT bị bãi nhiệm giữa nhiệm kỳ (theo quy định pháp luật hoặc theo Điều lệ công ty) thì thành viên mới được bầu vào HĐQT sẽ có nhiệm kỳ bằng “khoảng thời gian trong nhiệm kỳ còn lại” của các thành viên hiện tại (và tất nhiên, thành viên mới này cũng kết thúc nhiệm kỳ cùng lúc với các thành viên hiện tại).

Luật Doanh nghiệp 2020 tại Điều 154 có quy định, nhiệm kỳ của thành viên HĐQT không quá 05 (năm) năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. (Tuy nhiên, một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập HĐQT của một công ty không quá 02 (hai) nhiệm kỳ liên tục, trong trường hợp CTCP này theo cơ cấu có thành viên độc lập HĐQT.)

Như vậy, dù pháp luật doanh nghiệp hiện tại không đề cập đến nhiệm kỳ chung cho cả HĐQT, nhưng nếu Công ty vẫn mong muốn kết thúc thời hạn của các thành viên HĐQT cùng lúc để thuận tiện cho quá trình quản lý và đảm bảo quyền đề cử người vào HĐQT của các các cổ đông “yếu thế” thì Điều lệ công ty có thể ghi nhận các thành viên HĐQT của mỗi nhiệm kỳ nhất định sẽ có cùng thời điểm kết thúc nhiệm kỳ hoặc có thể xử lý kỹ thuật về việc ghi nhận thời gian bổ nhiệm của các thành viên HĐQT khác nhau nhưng đảm bảo kết thúc cùng một thời hạn.

Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu Quý khách cần tư vấn thêm.

Ghi chú: Bài viết này chỉ dành để tham khảo và không được xem là bản tư vấn pháp lý. Nội dung bài viết thể hiện ý kiến riêng của TTVN Legal, nội dung này có thể thay đổi mà không cần thông báo trước.