Thành Lập Bệnh Viện có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài tại Việt Nam

Kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, cùng với một loạt chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực khám chữa bệnh được triển khai, đã thúc đẩy số lượng bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên, và xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

Dịch vụ bệnh viện (CPC 9311), nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là hai mươi (20)  triệu đô la Mỹ.

Một bệnh viện chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng những điều kiện về cơ sở vật chất, khoa, phòng, nhân sự và khả năng chuyên môn. Và có đủ giấy phép theo quy định, bao gồm (i) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu có (ii) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, (iii) Giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh (“Giấy phép hoạt động”). Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động đối với bệnh viện đa khoa.

Để được cấp giấy phép hoạt động, ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung để cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Điều 23a Nghị định 155/2018/ND-CP, bệnh viện đa khoa phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:

Quy mô bệnh viện

  • Bệnh viện đa khoa phải có ít nhất là 30 giường bệnh.

Cơ sở vật chất

  • Tuỳ thuộc vào quy mô, bệnh viện phải được thiết kế, xây dựng theo hình thức nhà hợp phối và phải đáp ứng điều kiện: (i) Bố trí các khoa, phòng, hành lang bảo đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện; bảo đảm điều kiện vô trùng và các điều kiện vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật; (ii) Bảo đảm diện tích sàn xây dựng ít nhất là 50 m2/giường bệnh trở lên; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) bệnh viện phải đạt ít nhất là 10 m;
  • Có máy phát điện dự phòng;
  • Bảo đảm các điều kiện về xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật về môi trường.

Thiết bị y tế

  • Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài bệnh viện. Trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện, phải có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và có phạm vi hoạt động chuyên môn về cung cấp dịch vụ cấp cứu hỗ trợ vận chuyển người bệnh.

Tổ chức

  • Các khoa: (i) Có ít nhất 02 trong 04 khoa nội, ngoại, sản, nhi (ii) Khoa khám bệnh, có nơi tiếp đón người bệnh, phòng cấp cứu, lưu bệnh, phòng khám, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu); (iii) Khoa cận lâm sàng, có ít nhất một phòng xét nghiệm và một phòng chẩn đoán hình ảnh; (iv) Khoa dược; (v) Các khoa, phòng chuyên môn khác trong bệnh viện phải phù hợp với quy mô, chức năng nhiệm vụ.
  • Có các phòng, bộ phận để thực hiện các chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, quản lý chất lượng, điều dưỡng, tài chính kế toán và các chức năng cần thiết khác.

Nhân sự

  • Số lượng người hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số người hành nghề trong khoa;
  • Trưởng các khoa chuyên môn của bệnh viện phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó và phải là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện;
  • Trưởng khoa khác không thuộc đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học với chuyên ngành phù hợp với công việc được giao và phải là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện.

Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu Quý khách cần tư vấn thêm.

Ghi chú: Bài viết này chỉ dành để tham khảo và không được xem là bản tư vấn pháp lý. Nội dung bài viết thể hiện ý kiến riêng của TTVN Legal, nội dung này có thể thay đổi mà không cần thông báo trước.